Tối qua, chat với mấy ông anh bên VN về một vài từ ngữ trong thi ca và kinh sách PG. Rất thú vị. Hôm nay muốn viết chút ít về đề tài này cho vui :-).
Trong những năm gần đây ở VN có vài từ ngữ được xử dụng khá nhiều, từ việc để trang hoàng nhà cửa cho đến việc diễn thuyết trước công chúng. Đó là chữ Tâm và chữ Nhẫn. Đi đâu cũng thấy những bức hoạ thư pháp có 2 chữ này. Rồi trong các bài báo, các bài diễn văn, cũng thường xuyên nhắc đến chữ "tâm", chữ "tầm", như một nguyện vọng khát khao về những điều hiếm hoi hoặc chưa có trong xã hội.
Riêng mình thì lâu nay vẫn luôn quan niệm chữ nghĩa, từ ngữ, chỉ đơn thuần là những công cụ để giao tiếp hiệu quả và dễ dàng hơn. Còn bằng cấp thì dẫu ở quốc gia nào cũng vậy, cho dù trong nước hay ngoài nước, cũng chỉ thể hiện được một mớ kiến thức nhất định về mảng chuyên môn nào đó (nếu có), chứ không thể bảo chứng trí tuệ của chủ sở hữu. Còn nói đến địa vị hoặc chức vụ, thì lại càng khó hơn để dựa vào đó mà bảo đảm cho một cái "tâm", cái "tầm", theo nghĩa tích cực của con người và xã hội mong đợi. Cho nên mình không dám lạm bàn về phần "đời" của các từ ngữ này, mà chỉ mạn phép nói về một vài ý nhỏ trong kinh sách PG theo cách hiểu của mình, bởi chữ "Tâm" trong thơ ca có phần khác với chữ "Tâm" trong đạo Phật.
Trước hết, có lẽ nhiều người VN lâu nay đều nghe hoặc biết đến ngài Lục tổ Huệ Năng (TQ). Tương truyền rằng, ngài Huệ Năng vốn sinh ra trong một gia đình nghèo, lao động cực khổ, không được đi học, nên không biết chữ. Thế nhưng một hôm có duyên nghe lóm được câu "Ưng vô sở trụ sinh nhi kỳ tâm" trong Kinh Kim Cang, mà khởi tâm lãnh ngộ, tầm sư học đạo, và cuối cùng trở thành ông tổ thứ 6 của Thiền Tông TQ. Đại đa số các chùa chiền và dòng tu Bắc truyền ở VN bắt nguồn từ dòng Lâm Tế, nên chắc chắn là ai cũng biết đến ngài Lục Tổ. Ngoài lề chút, thân xác của ngài Huệ Năng sau khi chết (713 sau CN), vẫn còn lưu giữ và tồn tại hơn ngàn năm nay tại chùa Nanhua Temple, Caoxi TQ, mặc dù không hề theo một công nghệ ướp xác nào. Câu chuyện có vẻ hoang đường nhưng đó là sự thật. Mãi đến năm 1960, cuộc cách mạng văn hoá TQ đã tìm cách phá huỷ các di sản văn hoá và tôn giáo ngày xưa, trong đó có nhục thể của Ngài Huệ Năng. Tuy nhiên, chắc là đục đẽo gì đó không xong, cho nên các anh cán bộ lại bỏ đi, và chùa Nanhua lại tiếp tục bảo quản di sản đó cho đến ngày nay. Báo chí TQ xưa nay cũng né tránh khi nói đến những vấn đề này. Còn câu chuyện về bài kệ đối đáp của ngài Huệ Năng và ngài Thần Tú thì vẫn luôn là đề tài thú vị, mặc dù đã xảy ra hơn ngàn năm trước. Riêng với VN ta thì lại càng không lạ lẫm gì với hai bài kệ này. Hình như tới chùa nào cũng nghe nhắc đến, ngay cả báo chí văn đàn cũng thường xuyên đăng tải, nhưng rồi có thực hành theo hay không thì lại là một câu chuyện khác :-). Mình xin vắn tắt lại dưới đây:
- Bài kệ của ngài Thần Tú:
Thân thị bồ đề thọ
Tâm như minh cảnh đài
Thời thời cần phất thức
Vật sử nhạ trần ai.
Tạm dịch:
Thân là cây bồ đề
Tâm như đài gương sáng
Luôn luôn siêng lau chùi
Chớ để bụi trần bám.
(The body is the bodhi tree.
The mind is like a bright mirror's stand.
At all times we must strive to polish it
and must not let dust collect)
- Bài kệ của ngài Huệ Năng:
(Vì không biết chữ, nên ngài Huệ Năng nhờ người đọc dùm bài kệ trên của ngài Thần Tú, và cũng nhờ người ghi lại bài kệ này ở dưới để đáp lại)
Bồ-đề bổn vô thọ,
Minh cảnh diệc phi đài.
Bản lai vô nhất vật,
Hà xứ nhạ trần ai?
Tạm dịch:
Bồ-đề vốn không cây,
Gương sáng cũng chẳng đài.
Xưa nay không một vật,
Chỗ nào dính bụi nhơ?
(Bodhi originally has no tree.
The bright mirror also has no stand.
Fundamentally there is not a single thing.
Where could dust arise?)
Trở lại chuyện từ ngữ, chữ nghĩa trong kinh PG, vốn dĩ có nhiều phần khác so với những tôn giáo khác. Bởi PG xưa nay không quan niệm có đấng Cứu thế hoặc Giáo chủ, mà chỉ cho rằng Đức Phật là một bậc giác ngộ đi trước. Sau khi giác ngộ, Ngài đi đây đó để giảng pháp, chỉ ra con đường (hoặc nhiều con đường) cho chúng sinh học theo, làm theo, diệt khổ. Tuy nhiên mỗi người sẽ phải tự thực hành, thực chứng, tuỳ vào nghiệp lực và căn duyên của họ, hầu để đạt đến trí tuệ & sự giác ngộ cho bản thân. Mọi sự tu tập, nghe theo làm theo, đều hoàn toàn tự giác. Tất nhiên là có nhiều con đường cùng chung một điểm đến. Có nhiều phương tiện cùng chung một mục đích. Cho nên cũng có nhiều pháp môn (cách thức) tu tập khác nhau, nhưng đều hướng con người đến cùng cảnh giới của sự giác ngộ và giải thoát. (Quan trọng là phải sáng suốt nhận biết được những đúng sai cơ bản để tránh bị lợi dụng bởi những tà thuyết, hoặc các hình thức giả danh). Giáo lý nhà Phật không chủ trương phân biệt kỳ thị, khen chê tốt xấu giữa các pháp môn, mà cho rằng mọi chúng sinh đều bình đẳng như nhau trong việc chọn lựa con đường tu tập phù hợp với bản thân và hoàn cảnh riêng của mỗi người, không nhất thiết phải đi theo một sự sắp đặt nào cả. Đức Phật cũng chưa bao giờ phân biệt người này cúng nhiều người kia cúng ít, người này đạo Phật người kia đạo Ấn, hoặc hứa hẹn sẽ cứu rỗi một ai đó lên "thiên đàng". Bởi vậy có những từ ngữ trong kinh điển PG chỉ mang tính khái niệm, chứ không thể là một định nghĩa, hoặc là một đáp án chung, hay là nguyên tắc chung cho tất cả mọi người. Mỗi người đều sẽ lãnh ngộ được ý nghĩa của kinh kệ, từ ngữ, lời dạy, pháp tu …theo cái duyên, cái nghiệp, và căn cơ hiểu biết của chính bản thân họ. Ngay cả những vị tu sĩ cũng vậy, cho nên đừng ngạc nhiên lắm khi nghe nhiều vị sư thầy giải thích khác nhau về ý nghĩa của một từ ngữ giống nhau, hoặc một khái niệm PG nào đó. Âu cũng là những chuyện rất ư bình thường !
Thời còn tại thế, trong lúc giảng pháp, Đức Phật cũng tuỳ vào người nghe mà giảng giải những điều khác nhau. Ví dụ như Tâm Kinh thì nói cho ông Xá Lợi Phất, nhưng Kim Cang thì lại nói cho ông Tu Bồ Đề. Bởi vậy thời nay, nói chuyện với mấy ông tu sĩ thích đi xe hơi tiền tỉ, đồng hồ hàng hiệu, điện thoại đắt tiền, kẻ đón người đưa, mà khuyên là nên ăn rau cỏ chấm chao, tu học mỗi ngày, thì quả nhiên là điều khó khăn cho họ :-). Cũng như mình ngày xưa vốn là dân ăn nhậu thâu đêm suốt sáng, giờ mấy ông bạn cũ gặp lại, nghe nói chuyện kinh sách này nọ, họ tưởng mình điên. Nói đùa cho vui vậy thôi, chứ chuyện thiên hạ nghĩ sao thì cũng chẳng nghĩa lý gì đối với một người vô danh tiểu tốt như mình, nhưng với quý sư thầy thì lại rất quan trọng vì có cả hàng trăm, hàng ngàn người ngoài kia đang nghe ngóng và làm theo các vị !
Thực ra, mỗi khi nhắc đến kinh sách PG, thì nhiều vô cùng, làm sao đọc hết, làm sao nhớ nỗi ? Thỉnh thoảng, mình cũng may mắn được gặp những vị có kiến thức uyên bác, thao thao bất tuyệt nói về Hoa Nghiêm, A Hàm, Duy Ma Cật, Bát Nhã, Pháp Hoa, Niết Bàn, Pháp Cú, Trung Luận, Tiểu Luận..v.v.. Nghe một lát rồi mình cũng mịt mù, không biết đâu là đâu, nên đó cũng chưa hẳn là một chuyện tốt. Nhưng PG xưa nay vốn chú trọng nhiều đến chuyện thực hành, thực chứng, chứ không phải chỉ đơn giản là dừng lại ở mức độ lý thuyết. Cho nên biết đâu tu tập thực hành tới một mức độ nào đó, người ta lại ngộ ra rằng chẳng có kinh, mà cũng chẳng có Phật. Ngược lại, khi biết nhiều quá, đọc nhiều quá, chạy theo ông tiến sĩ này hoặc ông giáo sư nọ, đi theo ông "cao tăng" này hoặc ông "thiền sư" nọ, đôi lúc không khéo gạn lọc và tự thực chứng, lại vô tình bị bội thực, hoặc trở thành nạn nhân của "sở tri chướng". Tức là bị chính cái tri thức của mình làm trở ngại cho bản thân mình. (Sở tri chướng trong tiếng Sankrist là Jneyavarana, còn theo tiếng Ăng-lê là Hindrance of Knowledge). Tương tự, mình cũng có nhiều người bạn quen biết theo PG, phân chia kinh điển ra nhiều loại Nam tông, Bắc tông, Đại thừa, Tiểu thừa ...v.v.. Nhiều lúc mình theo dõi được một hồi, rồi cũng bị rối cả lên, quên đầu quên đuôi, lộn trước lộn sau. Bản thân mình chú trọng đến sự đơn giản, lâu nay chỉ quan niệm có một "thừa", đó là Phật thừa. Nên kinh nào đọc được hiểu đựợc thì đọc; thầy nào giảng được hiểu được thì nghe; chứ không phân biệt Nam Bắc, Đại Tiểu, lớn nhỏ … gì cả. Mình quan niệm rằng kinh sách vốn là để đọc để hiểu rồi thực hành, chứ không phải chỉ để đọc suông, thi thố kiến thức hoặc để cầu phúc ! (Xin lưu ý là Kinh khác với Chú).
Trong PG, có một bài kinh rất ngắn, phổ thông và căn bản, nhưng lại vô cùng quan trọng. Đó là Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh (Prajnaparamitahridaya Sutra) được dịch ra từ tiếng Phạn. Mình không nhớ rõ là bản dịch tiếng Việt có bao nhiêu từ, nhưng bản dịch tiếng TQ hoặc tiếng Anh (củan Edward Conze), thì có khoảng chừng 260 từ. Nhiều người theo PG ở nước ngoài thường thuộc lòng 260 từ này. Có nhiều người mỗi khi cơn giận dữ, tham lam, hoặc đau khổ, thất tình lục dục .... gì đó nổi lên, cứ ngồi xuống chậm rãi đọc hết 260 từ, nghiền ngẫm, thì mọi việc trở nên êm đềm trở lại. Mình cũng nghe nhiều người nói về chuyện này rồi, nên ai muốn thử nghiệm thì cũng là một điều tốt, nên thử. Còn nếu như 260 từ mà vẫn khó nhớ quá, hoặc làm biếng, thì chỉ cần nhớ cái tựa đề thôi, và hiểu được ý nghĩa của nó, cũng là ngon lành rồi. Tất nhiên là không dám so sánh với câu chuyện của ngài Huệ Năng năm xưa, nhưng biết đâu một câu kinh lại có thể mở ra cho chúng ta nhiều điều thú vị hơn ?
(Trước hết phải xin nói rõ, bản thân mình không phải là tu sĩ, cũng không phải là nhà nghiên cứu học thuật gì, chỉ là tạm viết lại ý nghĩa của cái tựa đề bài kinh theo cách hiểu của riêng mình. Và đây là một bài viết rất ngắn nên có thể có những thiếu sót trong cách diễn đạt bởi giới hạn của ngôn từ, dễ sinh ra sự hiểu lầm. Nếu bạn nào muốn nghiên cứu xa hơn, thì chắc là trên mạng hoặc trong các chùa chiền PG cũng có nhiều thông tin, tài liệu về bản kinh này).
Tựa kinh là: Prajnaparamitahridaya Sutra- (được quý vị tu sĩ ở VN dịch ra là Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh)
Chữ "Prajnaparamitahridaya" này được chia ra làm 3 phần: Prajna-paramita-hridaya; còn chữ Sutra là Kinh thì ai cũng hiểu rồi.
1. Prajna - Chữ này rất khó dịch trọn vẹn được hết ý nghĩa của nó, nên ngày xưa ngài Huyền Trang giữ nguyên không dịch. Quý thầy VN chắc cũng phiên âm từ tiếng Hán ra thành "Bát Nhã". Tiếng Anh dịch ra là "Wisdom", nhưng không diễn đạt đầy đủ hết ý nghĩa, rất miễn cưỡng, cho nên nhiều người cũng tránh dùng chữ "Wisdom" vì ngại gây ra sự hiểu với chữ wisdom thường xử dụng trong đời thường. Quý Thầy ở VN thường nói đến cụm từ “trí tuệ Bát nhã” là nói đến chữ này.
Trong tiếng Phạn, chữ Prajna được ghép bởi 2 từ : Pra & jna
- Pra (Supreme & Unique): tuyệt đỉnh, khác thường
- jna (Consciousness, Understanding): Sự nhận thức, trí tuệ hiểu biết
2. Paramita - (pa-ra-mi-ta) chữ này quý thầy VN phiên âm ra thành "ba la mật đa". (Và cũng vì có chữ "mật", cho nên có nhiều ông thầy bùa, thầy cúng, hiểu lầm tưởng là cái gì thần chú, mật chú ghê gớm lắm, nên thường đem ra xử dụng. Thực ra ý nghĩa của chữ này rất rõ ràng, không có gì thần bí, mê tín ở đây)
- Paramita: Perfection - sự hoàn hảo. Đặc biệt, chữ Paramita được ghép bằng 2 từ: Parama và Ita
- Parama: nghĩa là "phía bờ bên kia", nghĩa tiếng Anh là - the other shore
- Ita: nghĩa là "đến được nơi", nghĩa tiếng Anh là "that which has arrived" .
Cho nên ngoài nghĩa là "sự hoàn hảo", ba-la-mật-đa còn mang ý nghĩa là "đến bờ bên kia"
3. Hridaya - chữ này quý thầy VN dịch ra là Tâm. Chữ "Tâm kinh" là xuất phát từ đây. Đây là một từ rất hay, rất sâu sắc, và cũng là một từ gây ra rất nhiều sự hiểu lầm. Theo mình thì chữ này sẽ được hiểu theo nhiều cách khác nhau, tuỳ theo duyên nghiệp, và khả năng lãnh hội của từng người. Xin lưu ý là đối với trí tuệ “Prajna" (trí tuệ Bát nhã), thì hoàn toàn không phân biệt sang hèn, cao thấp, thông minh, ngu dốt...gì cả. Một ông gs ts chưa hẳn có trí tuệ "Prajna" hơn một người không biết chữ; một ông địa vị cao cả chưa hẳn có được trí tuệ "Prajna" hơn một kẻ thấp hèn. Trí tuệ "Bát Nhã (Prajna) khác với các loại trí tuệ thông thường, không dựa vào hình thức, định kiến, chấp trước của con người, hoặc là bằng này cấp nọ, trường này trường kia, thông minh lanh lợi, học giỏi tài hoa, văn hay chữ tốt...v.v....
- Hridaya - dịch sang tiếng Anh là “spiritual heart”. Cho nên tiếng Việt gọi là "tâm", nhưng không phải là trái tim (mind, not heart), không phải là tâm điểm, không phải chỉ là đạo đức đối nhân xử thế, cũng không phải là "cái tâm cái tầm" mà các vị quan chức VN mong mỏi. Chữ Tâm này mang một hàm ý rộng lớn hơn, muốn nói đến một sự cần thiết mấu chốt, một trí tuệ tỉnh thức, một tư duy sắc bén để hiểu biết và nhận định vấn đề.
- Nguồn gốc của chữ này trong tiếng Phạn gồm có 3 phần: Hri - nghĩa là cho đi (to give), da - nghĩa là nhận lại (to take), ya - chữ yam, nghĩa là cân bằng (balance). Có nghĩa là bản thân chữ Hridaya (hri-da-ya) đã nói lên được ý nghĩa của "trung đạo", khái niệm cân bằng giữa cho và nhận, tư duy phi cực đoan của người thực hành đạo Phật.
- Một ý nghĩa khác, nhiều người cho rằng chữ này nói về sự vận hành cân bằng trong tự nhiên như động mạch tĩnh mạch của trái tim, cũng như sự cho đi và nhận lại cần được cân bằng trong đời sống tinh thần. Cho nên chữ này cũng được xử dụng trong một vài trường phái thiền và yoga. Ví dụ như Hridaya yoga, một loại yoga đem lại sự an lạc và cân bằng trong đời sống tinh thần con người .
Ồ dài quá rồi, xin tạm dừng ở đây nghen. Tóm lại, chỉ với một cái tựa đề của Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh, đã nói lên được những lý thuyết căn bản nhất của PG. Đó là, mọi người đều có thể trở thành Phật, và chỉ có dựa vào trí tuệ của chính họ mới giúp họ làm được chuyện đó. Không có gì bí mật, không có gì mê tín dị đoan, mà cũng không có một sự cực đoan, hứa hẹn nào ở đây cả. Chỉ đơn giản là muốn đi từ bờ bên này của cõi nhân sinh đầy rẫy sự đau khổ, u mê, dục vọng, cám dỗ, nghiệp chướng, hận thù .... để qua được bến bờ bên kia, không còn những thứ phiền não đau khổ đó nữa, thì mỗi người phải tự thân học hỏi, thực hành, và tự thực chứng để có được trí tuệ cần thiết. (Lưu ý là một số phương pháp tu tập khác nhau có thể sẽ dùng những từ ngữ khác nhau, hoặc cách lý giải khác nhau, nhưng tìm hiểu kỹ sẽ nhận thấy đều cùng có chung một điểm đến). Còn ôm một mớ bằng cấp khư khư, kinh sách, kiến thức kim cổ đông tây, nay chùa Nam mai chùa Bắc, mà không tự chèo, thì chiếc ghe vẫn còn cột ở đó, mãi mãi ở bờ bên này !
Mến chúc tất cả một buổi tối an lành.
PN