Năm nay, giải Nobel Hoà bình được trao cho 2 nhà báo người Phi luật Tân và Nga, có tên là Maria Ressa và Dmitry Andreyevich Muratov. Thông thường, giải Nobel Hoà bình về tay nhà báo là trường hợp rất hiếm hoi. Lần cuối cùng và duy nhất là gần 90 năm trước (1935), Carl von Ossietzky, một nhà báo người Đức đoạt được giải thưởng cao quý đó. Vậy tại sao năm nay hội đồng Nobel có quyết định như vậy ? Nhiều người cho rằng ngoài việc vinh danh sự hy sinh & lòng dũng cảm đấu tranh cho tự do ngôn luận tự do báo chí, Hội đồng giải Nobel Hoà bình năm nay còn đặc biệt hướng đến một giá trị vô cùng quan trọng trong xã hội hiện tại. Đó là giá trị của sự thật trong đời sống !
Quả nhiên trong đời sống hàng ngày của chúng ta, sự thật luôn nắm giữ một vai trò tối quan trọng. Từ tin tức thời sự cho đến các dữ kiện, số liệu thống kê, cũng như thông tin tin tức trong mọi quan hệ ứng xử giữa người với người, giữa chính quyền với người dân. Tất nhiên là không phải cho đến bây giờ, "sự thật" mới trở thành một vấn đề mà xã hội cần quan tâm. Xưa nay, "sự thật" bao giờ cũng là nền tảng chính của mọi niềm tin và quan hệ xã hội, thương mại, ngoại giao…Tuy nhiên, cho dù ở quốc gia nào, thể chế chính trị nào, thì cũng đều tồn tại những vấn đề nan giải về "sự thật". Nạn tuyên truyền, bóp mép lịch sử, tin tức dối trá, luận điệu vu khống, hoặc bưng bít sự thật, cấm đoán cưỡng ép, vẫn xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới. Chế độ nào càng kém văn minh dân chủ, thì thông tin càng dễ bị che đậy lấp liếm. Có những cơ chế chính trị đặc thù, mang tính hệ thống, thì dẫu muốn nói thật cũng không thể, thậm chí còn có thể bị loại trừ hoặc buộc tội. Cũng không phải vấn nạn thông tin dối trá chỉ xảy ra ở những quốc gia độc tài, mà ngay cả ở những nước dân chủ hàng đầu trên thế giới cũng tồn tại điều đó, chỉ là nhiều hay ít, hình thức khác nhau, hoặc động cơ khác nhau. Tất nhiên mỗi quốc gia đều có những cơ chế luật pháp nhất định để bảo vệ hoặc tố tụng những vi phạm làm phương hại đến quyền lợi người dân.
Nhìn lại trong những thập niên gần đây, công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ. Các phương tiện truyền thông và phương thức liên lạc ngày càng đa dạng hơn. Con người cũng tiến bộ hơn và tinh vi hơn trong những cách thức dối gạt nhau, gây nhiễu loạn tin tức, hoặc làm lũng đoạn "sự thật". Ví dụ như thông tin nguồn gốc dịch bệnh covid từ TQ thì đừng hòng ai có thể tìm ra sự thật. Ngay cả ở những quốc gia tương đối dân chủ và minh bạch như Mỹ, mà lùm xùm vụ bầu cử từ năm ngoái đến nay vẫn còn chưa dọn dẹp sạch sẽ được. Mấy tuần qua nhiều vị cựu quan chức cao cấp của chính phủ, từng là thân tín của tổng thống tiền nhiệm, cũng bị trát toà kêu ra điều trần. Chưa biết diễn biến trong những ngày tới sẽ ra sao. Sự thật bị đánh tráo, còn tin hay không là tuỳ ....... người đối diện :-). Chuyện “đúng sai” cũng còn tuỳ thuộc vào việc chơi với ai, nghe đài nào, coi kênh you tube nào, đọc báo nào, bạn bè theo phe nào, theo đảng nào..v.v. Mấy hôm trước nước Mỹ cũng xôn xao về vụ một cựu nhân viên của Facebook, cô Frances Haugen, ra điều trần khai báo các thủ thuật của FB trong việc xử lý thông tin của họ. FB bị cáo buộc chạy đua theo lợi nhuận, bất chấp đạo đức. Ngay hôm sau đó FB đã có sự cố trong một khoảng thời gian dài, chưa rõ nguyên nhân, và cổ phiếu bị tụt dốc đáng kể. Nhưng chắc hẳn là sự việc không chỉ dừng lại ở đó. Và đây cũng là một câu chuyện liên quan đến sự thật của thông tin tin tức.
Tất nhiên lâu nay ai cũng biết mạng xã hội như Facebook, Instagram, Youtube ... là những sân chơi không tốn mặt bằng, để người ta tương tác với nhau. Thật có, giả có, muôn kiểu hoá thân. Bên cạnh việc nhiều người coi đó là một công cụ để liên lạc với bạn bè người thân, thì cũng có rất nhiều người coi đó là một môi trường kép bên đời sống thực, để sống ảo với nó, hoặc để phô diễn phục vụ cho nhiều mục đích khác nhau, kể cả thương mại và chính trị. Rồi dần dà một số người vô tình bị lệ thuộc hoặc bị nghiện sâu không thể sống thiếu nó được. Đơn giản là ở nơi đó họ có thể tự do biến thành những "hình tượng" khác nhau để thoả mãn cảm xúc hoặc nhu cầu cá nhân. Để gặp gỡ, để hẹn hò, để chia xẻ trong những phạm vi tự chọn, hoặc có thể biến bất kỳ ai trở thành những thiên thần hay quái vật theo ý riêng của họ. Và mặt trái của nó còn ghê gớm hơn. Không hiếm những trường hợp mượn gió bẻ măng, bóp mép sự thật, vu khống mạ lị, nhan nhản xảy ra mỗi ngày. Chuyện chính trị chính em trên mạng cũng vậy, như một bữa tiệc buffet, xào qua xào lại, nấu tới nấu lui, món nào thấy ngon, hợp khẩu vị thì lấy ra để dành. Siêng thì xào nấu lại, không siêng thì bê nguyên gói, gởi cho bạn bè người thân cùng ăn. Có món ngon thật, nhưng cũng có món bị bội thực cả đời. Ngay cả nhiều người có bằng này cấp nọ, tự hào là thông thái rồi cũng bị lôi cuốn vào cái mê hồn trận đó. Cũng cay đắng, cũng chiêu trò, cũng lệch lạc tin tức một chiều, khuya sớm lục lọi tìm tòi những trang mạng, những kênh tin tức "vịt bầu" hợp ý, để vừa coi vừa phát tán rộng rãi. Ai cũng cho mình là hiểu biết hơn người khác, tin tức của mình là đúng, tin tức của bên kia là sai. Cuối cùng rồi ai cũng trở thành người "yêu nước thương dân" được, ai cũng trở thành người tốt được, và ai cũng trở thành "kẻ xấu xa" được. Lần hồi, tính công bằng trong ứng xử, tính logic trong nhận định vấn đề, và thông tin "sự thật" trong đời sống đã trở thành những món hàng xa xỉ, hiếm hoi. Đáng sợ hơn là nhiều lúc thiên hạ cũng chẳng còn cần thiết quan tâm đến chân tướng của vấn đề, mà chỉ cần họ và những người thân quen tin rằng đó là "sự thật" là đủ. Bên cạnh đó, cũng có nhiều người đành nhắm mắt đưa chân, sống chung với lũ, vì muốn tìm hiểu sự thật cũng chẳng biết đâu mà mò !
Quả nhiên là vậy, và các nhà mạng xã hội cũng như giới truyền thông đã nắm bắt điều đó rõ hơn ai hết. Bởi chính họ là nhân chứng của sự truy tìm "kiến thức" thông qua những từ khoá, còm men, xì ta xì tút, "like", "subscribed", "views", lai chim lai chuột .v.v... Cũng chính họ là kẻ có thể "lèo lái" con tàu kiến thức chạy theo nhu cầu của mỗi cá nhân. Anh nào thích mắm tôm có mắm tôm, thích bồ hóc có bồ hóc, thích Trump có Trump, thích Biden có Biden. Ví dụ như nhiều lúc truy tìm cùng một từ khoá, nhưng ở hai nơi khác nhau, hai máy tính khác nhau, hai "đảng" khác nhau, có khi lại nhận được đường dẫn về hai cõi thiên thai khác nhau. Như cô kia tố cáo Facebook có những công cụ để phát hiện ra và "đổ dầu vô lửa” đối với những đề tài nào còm nhiều, cãi lộn nhiều, hoặc thu hút được đám đông, bằng cách tung chiêu kết nối thêm người xử dụng có cùng sở thích hoặc cùng “chí hướng”, bơm bong bóng cho các anh hùng mạng “điếc không sợ súng”… Bởi vậy, một số người có tầm nhìn xa hơn về một thế giới AI (trí tuệ nhân tạo) trong tương lai, cũng không khỏi có chút ngậm ngùi lo lắng !
Trở lại vấn đề mà nhiều người quan tâm, đó là liệu có một phương pháp nào, công nghệ nào, hay luật pháp nào có thể bảo vệ và duy trì "sự thật" trong thông tin tin tức chăng ? Mình nghĩ là không. Đơn giản là không thể nào hoàn toàn được. Ngay cả ngồi lục lại mớ kiến thức hoặc cái "biết" mà mỗi chúng ta đang có, thì trong đó có bao nhiêu là sự thật ?
Tính đến nay, thì cho dù là theo khoa học hay theo tôn giáo, nhiều người cũng đồng ý với nhau là kiến thức con người có được là do sự cảm thụ (perceived) và tương tác với thế giới chung quanh thông qua cửa ngõ của ngũ quan (tai, mắt mũi, lưỡi, thân) và ý thức (mind). Mà nói đến kho tàng kiến thức của con người, thì cho dù là thiên tài hay ngờ nghệch, ông nghè ông tổng hay ông nông dân, ông bí thư chủ tịch hay kẻ trộm cướp ăn mày... cũng đều được hình thành từ 4 nguồn giống nhau dưới đây. Không ai ngoại lệ cả, tiếng Anh gọi đó là "Modes of Knowledge". (Vì hơi súc tích nên mình cố gắng dịch ý thôi, hy vọng là không sai lệch nhiều quá :-)
1. Knowledge from Direct Veridical Perception: Là kiến thức được ghi nhận trực tiếp bằng ngũ quan. Ví dụ như thấy trái cam, nghe tiếng chim hót, ngửi bông hoa, đọc cuốn sách..v.v.. là những gì xảy ra tức thời ngay tại thời điểm đó. Thấy sao, nghe sao, biết vậy, không đánh giá, không phán xét gì thêm.
2. Knowledge from Inference (true or false): Là kiến thức sau khi các giác quan ghi nhận, đã có gắn mác thêm phần xử lý của con người. Có sự so sánh, phân tích, đánh giá dựa vào tư duy, suy nghĩ, kinh nghiệm và kiến thức của bản thân họ. Nên chắc chắn là có đúng, có sai, không còn giống như sự ghi nhận nguyên thủy ban đầu nữa. Ví dụ như: thấy trái cam đó mỏng vỏ nghĩ chắc ngọt, nghe tiếng chim đó hót nghĩ là hoạ mi, thằng đó hách dịch chắc là nhà mặt phố bố làm quan, cuốn sách này nói đúng, cuốn phim kia rất hay, bà này bị khùng, ông kia hoang tưởng..v.v...Đây cũng là trường hợp thường gặp và đa dạng nhất trong cuộc sống.
3. Knowledge from fallacious reasoning: Là kiến thức có được từ sự tưởng tượng, hoang tưởng, hoặc nằm mơ. Ví dụ như dưới địa ngục chắc là ghê lắm, phải đốt đô la xuống cho bạn mình hối lộ. Đế quốc Mỹ dữ lắm chuyên ăn thịt người. Trăng Liên Xô tròn hơn trăng nước Mỹ. Thế giới đại đồng sướng như thiên đường ..v.v...
(Khác với hai cách ghi nhận (1) và (2) ở trên, sự cảm nhận luôn có chủ thể (subject) và sự vật (objects) . Nghĩa là có cái để tương tác, để nghe, ngắm, ngửi, nếm, trực tiếp. Còn hai cách ghi nhận phía dưới (3) và (4) chủ yếu chỉ là nghe đi nghe lại, hoặc tưởng tượng, hoặc nằm mơ, hoặc hư cấu hoang tưởng mà tạo thành kiến thức.
4. Knowledge from Saints and/or Trust-worthy Source: Là kiến thức có được do đức tin, niềm tin, hoặc nghe được từ nguồn nào mà họ cho là đáng tin cậy. Ví dụ như những câu chuyện, giáo lý nghe từ trong kinh sách tôn giáo, hoặc nghe từ các bậc tu hành phẩm hạnh, tri thức đáng kính ..v.v. Còn kiến thức có được từ nguồn "đáng tin cậy" thì cũng không đơn giản chút nào, vì ngay cái chữ "đáng tin cậy" cũng là một sự thật khác cần được kiểm chứng. Ví dụ như có thằng em ở NASA nói vậy, có thằng bạn làm cho chính phủ nói thế, hoặc nghe ông chú làm ở Viettel có tin nội bộ, hoặc đi họp lớp nghe chị bạn VK giải thích vậy, hoặc nghe ông trưởng thôn bảo thế, hoặc nghe dư luận nói rằng anh ấy thế nọ thế kia, hoặc báo nói thế này, ông ts gs nói thế kia .v.v..
(Nói mới nhớ hôm bữa có ai gởi cho mình đọan YouTube video của bác Phạm Tuân kể về chiếc máy bay B-52 của Mỹ, dài 600m rộng 60m. Thấy thiên hạ phê phán quá. Mình thì nghĩ chắc bác ấy lớn tuổi nhầm lẫn thôi, hoặc là bác mê Kiều, học theo cách của Nguyễn Du tả Từ Hải. Nhưng nếu lỡ ai mà nghe được, tưởng tượng ra B-52 to như một cái hàng không mẫu hạm trên không, thì đó lại trở thành một kiến thức khác :-))
Nôm na, toàn bộ kiến thức của loài người có được đều đến từ 4 nguồn kể trên. Cho dù tây hay ta, văn minh hay lạc hậu, dân chủ hay độc tài gì cũng thế. Ai nghĩ ra được thêm nguồn nào nữa thì cho mình biết :-). Còn chuyện xử lý thông tin, khả năng nhận định, phân tích vấn đề, chủ quan hoặc khách quan ...là vốn riêng của từng người dựa vào nhiều yếu tố duyên nghiệp khác nhau, không ai giống ai. Ai cũng có cái bộ lọc trí tuệ và cặp kính râm “ego” của riêng mình. Nói tới đây thì dễ dàng nhận ra là cho dù nhiều người cùng đọc một cuốn sách, nghe cùng một câu chuyện, ở cùng một ngôi nhà, ăn cùng một món ăn, thấy cùng một món đồ vật, cũng chắc gì đã có cùng những kiến thức giống nhau. Vậy nghiệm lại với cách hình thành kiến thức như thế, thì mớ kiến thức của chúng ta có được là bao nhiêu phần trăm sự thật ? Cái gì mới là bản chất thực thể của vấn đề ? Đây là điều đáng để suy gẫm. Nên có nhiều người học Thiền, thường cố gắng thực hành để đầu óc họ chỉ dừng lại ở Mode thứ nhất (Direct veridical perception), đó cũng là cách sống với hiện tại trong khoảnh khắc đó.
Trở lại chuyện đời thường, trong những năm gần đây, hiện tượng "fake news" (tin giả) trở thành vấn nạn của cả thế giới. Mạng xã hội càng phát triển thì nạn "tin giả" càng thăng hoa. Nước Mỹ cũng vậy, đặc biệt là trong nhiệm kỳ tổng thống vừa qua và kỳ bầu cử năm 2020. Quá nhiều vấn đề về "sự thật" dẫn đến những phân hoá trầm trọng, mà cho đến nay vẫn còn đang diễn ra. Không những chỉ xảy ra trên chính trường, mà ngay cả trong bạn bè thân hữu với nhau, ngày càng bộc lộ nhiều tư duy cực đoan đáng sợ. Trong khi đó, ở một số quốc gia khác thì tự do ngôn luận vẫn còn bị hạn chế. Những vấn nạn tuyên truyền, hư cấu, định hướng dư luận vẫn thường xuyên xảy ra, nên mức độ khả tín của nguồn thông tin chính thống ngày càng mơ hồ, không còn là điều quan tâm của người dân nữa. Mạng xã hội lề trái nhanh chóng trở thành những sân chơi sôi động cho đủ mọi thành phần, đủ mọi hình thức, thiệt giả khó phân, nên nhu cầu tìm kiếm "sự thật" lại càng trở nên cần thiết hơn bao giờ hết.
Vậy "sự thật" là gì ? Sự thật dưới mắt của người này có là "sự thật" của người kia ? Và công cụ nào có thể gạn lọc được "sự thật" cho riêng họ ? Chắc ai cũng có cách tự trả lời cho riêng mình.
Mặt khác, trong cuộc sống này không phải ai cũng có đủ can đảm hoặc khả năng để chấp nhận được sự thật cho dù nó có hiển hiện ngay trước mắt họ. Nên có những câu hỏi sẽ không bao giờ có lời giải đáp, và có những sự thật sẽ mãi mãi nằm im. Lịch sử xưa nay vẫn thế !
Thôi. chúc tất cả cuối tuần an vui.
PN